Hành vi lựa chọn thực phẩm chức năng của người tiêu dùng
Lựa chọn thực phẩm đã được chỉ ra là một thuộc tính rất phức tạp của người tiêu dùng, phụ thuộc vào:
– Chính bản thân người đó
– Sự “tương tác” giữa cá nhân đó với sản phẩm thực phẩm đang quan tâm
– Sự “tương tác” giữa cá nhân đó với điều kiện kinh tế và môi trường xã hội.
Các mô hình lí thuyết và thực nghiệm đã được thiết lập để dự đoán quyết định lựa chọn sản phẩm và chỉ ra các tác động tới quá trình lựa chọn thực phẩm bị chi phối chủ yếu bởi “thái độ” và “niềm tin” của mỗi cá nhân.
Các yếu tố người tiêu dùng quan tâm:
– Sự ưa thích đối với sản phẩm.
– Lợi ích cũng như bất lợi dinh dưỡng khi tiêu dùng một thực phẩm.
– Tính chất chức năng, giá thành sản phẩm.
Hình thức nghiên cứu
Nghiên cứu định tính: thảo luận tập trung.
72 người tham gia 11 buổi thảo luận tập trung, nội dung thảo luận theo bộ câu hỏi có sẵn, tập trung 3 chủ để:
– Quan điểm và thái độ đối với TPCN.
– Mong muốn đối với sự phát triển của TPCN.
– Thói quen tiêu dùng thực phẩm và mối quan hệ giữa thực phẩm với sức khỏe.
Hai nghiên cứu viên phân tích kết quả độc lập nhằm xác định các chủ đề thảo luận và dẫn chứng.
Nghiên cứu định lượng: Phiếu điều tra
736 người người tham gia trả lời phiếu điều tra. Phiếu điều tra gồm 16 nhận định cá nhân thu thập được từ kết quả của nghiên cứu định tính. Với mỗi nhận định sẽ có 3 mức độ: Hoàn toàn không đồng ý, Không đồng ý, Đồng ý. Trật tự xuất hiện các nhận định được thiết lập theo quy tắc hình vuông Latin.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả thảo luận
7 chủ đề thảo luận đã được đưa ra:
1. Tác dụng của TPCN: người tham gia bàn luận về tác dụng của TPCN. Ngoài những tác dụng tích cực được nêu ra, một số người tham gia cũng cho rằng tác dụng của TPCN là không rõ rệt. Tuy nhiên một số người cũng cho rằng phải sử dụng lâu dài thì mới có tác dụng.
2. Mối liên hệ giữa TPCN và thuốc: Một số người cho rằng TPCN rất giống thuốc, đặc biệt là thuốc bổ. Trong khi đó, một số người khác thì cho rằng TPCN không phải là thuốc. Vì thuốc thì chỉ dành cho người bị bệnh và thuốc có thể có tác dụng phụ nhưng TPCN thì không.
3. Mối liên hệ giữa TPCN và thực phẩm thông thường: Một số người cho rằng tên gọi của sản phẩm là thực phẩm nên TPCN cũng chỉ là một loại thực phẩm, có đầy đủ tính chất cảm quan vốn có của các loại thực phẩm thông thường. Tuy nhiên một số người khác lại không đồng tính với quan điểm như vậy. Họ cho rằng kể cả về hình thức, tác dụng lẫn cách sử dụng và tiêu dùng, TPCN không phải là thực phẩm thông thường.
4. Giá thành của TPCN: Đa số cho rằng TPCN phù hợp với đối tượng có thu nhập cao. Và TPCN trong nước thì rẻ hơn so với sản phẩm nhập khẩu.
5. Nguồn gốc của TPCN: Đa số người tham gia thảo luận đều cho rằng TPCN được chiết xuất từ các nguyên liệu tự nhiên và giữ được những tính chất chức năng của các thành phần đó. Nguồn gốc sản phẩm là nhập khẩu hay sản xuất trong nước cũng được bàn luận.
6. Độ tin cậy đối với TPCN: Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng TPCN có những tác dụng nhất định đối với sức khỏe. Tuy nhiên một số người vẫn cho rằng mình còn e ngại khi sử dụng sản phẩm. Lí do chính là chưa có quy định rõ ràng về sản phẩm và nguồn gốc. Đối với họ công dụng của TPCN vẫn còn mơ hồ và không được như quảng cáo. Bởi vì hình thức phân phối đa phần thông qua hệ thống bán hàng đa cấp, là một hình thức mà người tham gia cho rằng người bán hay thổi phồng tác dụng của sản phẩm.
7. TPCN – sản phẩm của thời đại phát triển: Mặc dù còn những bàn luận trái chiều về sản phẩm, đa số người tham gia vẫn cho rằng TPCN là một sản phẩm của thời đại mới, của công nghệ chế biến hiện đại, tiện dụng và phổ biến để hỗ trợ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Kết quả điều tra
Đa số mọi người cho rằng:
– Thực phẩm chức năng có tác dụng không rõ rệt
– Khó phân biệt TPCN và thuốc.
– Thực phẩm chức năng chủ yếu chiết xuất từ thiên nhiên.
– Phổ biến, tiện dụng.
– TPCN nhập khẩu được ưa chuộng hơn.
– Sử dụng TPCN trong thời gian dài mới có hiệu quả.
– Nhiều người đồng tình rằng TPCN là sản phẩm của thời đại.
– TPCN so với thu nhập còn đắt.
– Đa phần là nhập khẩu.
Đa số người tham gia không đồng tình rằng:
– TPCN không dành cho người khoẻ mạnh.
– Nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.
Kết luận
Nghiên cứu đã tìm hiểu được 7 chủ đề lớn về TPCN trong thái độ và quan điểm người tiêu dùng. Điều tra định lượng đã xác định được mức độ đồng tình của người tiêu dùng đối với các nhận định này. Bên cạnh những quan điểm tích cực về TPCN, người tham gia nghiên cứu đã chỉ ra những quan ngại về giá thành, hiệu quả và tác dụng cũng như việc khó khăn khi phân biệt giữa TPCN với thuốc.
Nghiên cứu cũng cho phép hiểu được quan niệm và kiến thức dinh dưỡng của người tiêu dùng. Đây là cơ sở cho giáo dục dinh dưỡng và định hướng tiêu dùng, một yêu cầu quan trọng để phát triển TPCN tại Việt Nam. Đồng thời nâng cao trình độ hiểu biết về dinh dưỡng cho người dân.
Năm 2018, có 10.930 thực phẩm chức năng được cấp phép lưu hành, tăng 180 lần chỉ sau 18 năm. Số người dùng TPCN ở Việt Nam đã tăng lên hơn 20 triệu, chiếm 21% dân số. Tại Hà Nội, thậm chí tỷ lệ người sử dụng còn lên tới 68,1%.
Số người sử dụng TPCN ngày một nhiều hơn. Khuynh hướng tiêu dùng của Người Việt càng ngày càng “hướng về thiên nhiên”. Trong khi đó thị trường TPCN vàng thau lẫn lộn. Do vậy mọi người cần lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên cũng nên sử dụng TPCN hợp lý để có hiệu quả tốt nhất cho sức khoẻ.